Thứ Tư, 1 tháng 5, 2013

Người Hà Nội ở Sài Gòn

Người Hà Nội ở Sài Gòn

''Tôi mới thấy bà đi qua cửa nhà tôi, đã lâu không gặp. Trông bà rất là Hà Nội''!

Đang vội vã trên một con đường ở Sài Gòn, nhận được tin nhắn: “Tôi mới thấy bà đi qua cửa nhà tôi, đã lâu không gặp. Trông bà rất là Hà nội!”. Ngày bận rộn dường như chùng xuống. “Vì bà đi nhanh nhưng vẫn rất đài các, thong dong”. Dường như chất Hà Nội vẫn có trong tôi, không chỉ vì giọng nói, dáng đi, mà còn vì nhiều điều khác, sau nhiều năm sống yên ổn ở thành phố nay đã trở thành thân thuộc.Khi nghe Tony Bennett hát: “Tôi để lại trái tim tôi ở San Francisco”, nhiều người tự hỏi: Nếu nhớ quê hương bản quán đến vậy, thì tại sao phải rời xứ sở mà đi? Đi để rồi tới đâu cũng nhớ tiếc nơi mình đã sinh ra và lớn lên? Nhưng đi và nhớ là hai việc khác nhau. Hình như nỗi nhớ quê làm cho những người đồng hương, đã di dân vì bắt buộc hay tự nguyện, dù muốn hay không, vẫn tập hợp lại thành một cộng đồng. Cho đến đời con đời cháu.

Trên thế giới có những cộng đồng như Do thái, Hoa Kiều, hay người Sicily ở New York, người Nga ở Pháp, người Nhật ở Hawaii… Riêng ở Việt Nam, lại có một cộng đồng rất đặc biệt, vốn có gốc gác từ một kinh đô truyền thống và thanh lịch, tới làm ăn sinh sống ở một thành phố lớn, trẻ và sôi động. Từ vài trăm năm nay, những người ra đi từ Hà Nội, và con cháu của họ, vào định cư ở Sài Gòn vì nhiều lẽ khác nhau, thường tự coi mình là người Hà Nội ở Sài Gòn. Có một chút tự hào, một chút nhớ nhung, một chút níu kéo mơ hồ trong danh xưng ấy.
Và người Hà Nội ở Sài Gòn sống mỗi ngày với những sợi dây vô hình với gốc gác và quá khứ của mình như thế. Mặc áo dài lụa may tay ở tiệm chị Chính, ăn dưa cà muối ở quán bà Cả Đọi. Thích lấy tay che miệng mỗi khi cười, thích hỏi han “Cháu là con nhà ai, bao nhiêu tuổi, trước nhà ở phố nào?”.

Nếu Sting, thay vì hát bài “Người Anh ở New York”, lại hát về “người Hà Nội ở Sài Gòn”, thì ông sẽ không nhắc tới trà, cà phê hay bánh mì,… những món làm cho người Anh khác với người Mỹ. Mà sẽ nhắc đến vô vàn thứ khác, ngoài giọng nói và phong cách, đã làm nên chất rất riêng của người Hà Nội ở Sài Gòn.
Vì sự khác nhau về khẩu vị này mà ở Sài Gòn thời nào cũng không thiếu những quán ăn Hà Nội. Ngày nay có thể dễ dàng tìm thấy bún chả “đặc sản Hà Nội”, phở “gia truyền Hà Nội” ở một góc phố nhỏ ở quận Tân Bình, nhất là khu gần sân bay Tân sơn nhất.

Nếu thấy thèm thì sáng tinh mơ ghé phở Dậu ở Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phở Thìn (của cô con gái nhà ông Thìn) ở Nguyễn Đình Chiểu, muộn hơn vẫn ăn kịp phở gánh ở Huỳnh Thúc Kháng, hay bún ốc gánh Chợ Cũ. Chiều đi làm về, tạt qua tiệm bán đồ Bắc ở Trần Quốc Toản hay Nguyễn Bỉnh Khiêm, để mua đủ loại thực phẩm, rau dưa, bánh mứt được chở từ Hà Nội vào, mùa nào thức nấy. Đắt hơn ngoài chợ đấy, nhưng rau thơm Hà Nội mới thơm, dấm bỗng Hà Nội mới ngấu.

“Thương không biết bao nhiêu, nhớ không biết ngần nào…”. Người Hà Nội Vũ Bằng từng viết trong Thương nhớ mười hai, khi “ăn một tô hủ tíu thì nhớ đến phở Bắc "chính cống" ăn vào một buổi sáng rét căm căm; trông thấy cua bể thì nhớ đến bát canh cua đồng nấu với rau rút và khoai sọ; gặp một ngày bão rớt thì lòng lại buồn rười rượi, nhớ đến thu sơ với gió may, hoa vàng”.

Tình cảm lưu luyến là thế, nhưng hầu như không ai nghĩ đến chuyện trở về. Tuy việc trở về không còn vô vọng như thời Vũ Bằng, và việc mua một tấm vé tàu hay máy bay không còn quá khó khăn, người Hà Nội ở Sài Gòn vẫn vừa nhớ vừa tiếp tục an cư. Hoàn cảnh sống thuận lợi, cơ hội làm ăn dễ dàng, cung cách giao lưu khoáng đạt, khí hậu ôn hòa,… đã giữ chân người lại.

Nhưng không giữ được lòng người.

Dù nhớ quê, dù vẫn khăng khăng cho rằng một cơn mưa ở Bắc vẫn khác, đến một lúc nào đó, người Hà Nội ở Sài Gòn nào cũng thấy yêu và gắn bó với quê hương thứ hai, và gọi đó là “nhà mình”. Dù muốn dù không, tuy giọng nói vẫn là giọng Hà Nội, nhưng ngữ điệu và từ dùng đã Nam hóa. Nhiều người dần quen hơn vị cơm sườn ngòn ngọt hay uống nước sinh tố trong bịch nylon.

Trước chỉ kết bạn gốc Hà Nội, sau có thêm nhiều tình thân mới với dân Sài Gòn. Song trong quá trình “nhập gia tùy tục” này , mỗi người vẫn giữ cho mình nhiều thói quen và phong cách thuần Bắc. Có khi còn đậm chất Hà Nội hơn nhiều người đang sống ở Hà Nội.

Sống xa quê làm cho người Hà Nội cảm thấy cần hơn một mâm cỗ có đầy đủ bánh chưng, nem rán, canh măng, giò lụa, một lời mời trong bữa ăn hay việc thăm hỏi các bậc trưởng thượng trong ngày Tết.

Tuy cách ăn mặc đã mang nhiều nét tiện dụng và bình dân hơn, tùy theo khả năng tài chính, người gốc Hà Nội vẫn coi trọng hình thức và các giá trị vô hình khác. Vẫn thích nói là ăn bánh gateau thì phải sang đặt làm ở nhà chị Thu ở quận Tư thì kem mới ngon, cá lóc nướng lá chuối thì phải sang quận Tám, may veston thì phải tới nhà ông Quế ở Cầu Kiệu.

Tuy vẫn giữ được nếp sống cần kiệm, nhiều khi quá giản tiện và sơ sài, song hầu hết “dân Bắc” cũng thấm dần phong cách dịch vụ hiện đại của người Sài Gòn.

Ra Hà Nội, nhiều người than phiền kiểu cách phục vụ chậm chạp và thiếu tôn trọng khách hàng. Cũng khe khắt hơn với những thay đổi mà họ cho là tiêu cực của Hà Nội bây giờ, khi thấy ít khi được lễ phép thưa gửi hay cám ơn. Họ cho rằng người Hà Nội ngày xưa không ích kỷ vứt rác ra đường hay lấy các đồ vật nơi công cộng về làm của riêng. Hà Nội của tôi ngày xưa không thế, Hà Nội ngày xưa sang trọng và an hòa hơn nhiều.

Kỷ niệm trong lòng người đi bao giờ cũng đẹp. Nhưng dù thế nào thì vẫn yêu, thương nhớ và hy vọng Hà Nội ngày nay sẽ đẹp lên, đẹp hơn cả những ký ức xưa.

Vì người Hà Nội ở đâu cũng thế, sống và nghĩ rất hào hoa, sang cả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét