Không biết có dân tộc nào ở trên thế giới, như người Việt Nam, dùng tiếng “nhà tôi” khi vợ hoặc chồng nói về bạn đời của mình với người thứ ba. “Nhà” gợi lên một hình ảnh lớn lao, vững chãi - dầu là nhà tranh vách đất và có ý nghĩa cố định. “Nhà” cũng là nơi đùm bọc, chở che, lưu trữ bao nhiêu giá trị về mặt tinh thần cũng như cất giữ bao nhiêu vốn liếng về mặt vật chất. Đó là khởi điểm để mỗi sáng mai con người cất bước ra đi, vừa là tụ điểm để khi chiều xuống con người quay gót trở về.
Đối với người Việt, nhà có ý nghĩa quan trọng chừng nào! “Sống cái nhà, già cái mồ”, nhà là điểm tựa, là dinh lũy trong cuộc sống, nhà bảo vệ con người trước những đe dọa thiên nhiên từ cái thời tiết bốn mùa mưa nắng đến thú dữ các loài.
Giá trị của nhà có thể biến đổi, nhưng không suy giảm theo với thời gian: nhà mới thường được thiên hạ ăn mừng với những quà tặng và những mâm cơm hoan hỉ, nhưng nhà xưa luôn được sự trìu mến, kính yêu. Được quay trở về với mái nhà xưa là niềm hy vọng và nguồn an ủi vô cùng sâu đậm.
“Nhà tôi” là một danh xưng bình đẳng cho vợ và chồng. Tính bình đẳng ấy vốn là đặc điểm ở trong gia đình Việt Nam ta xưa, trước khi tập nhiễm quan niệm chồng chúa, vợ tôi vay mượn từ ngoài. “Nhà tôi” còn là tiếng nói của lòng âu yếm, của sự kính nể. “Nhà tôi” ám chỉ mỗi một cá nhân nhưng lại bao hàm cả một cộng đồng.
Tiếng “nhà tôi” ấy như muốn khẳng định một niềm chung thủy. Ai cũng quyến luyến ngôi nhà đã ấp ủ mình, và dầu có việc đi xa vẫn mong quay về chốn cũ, tìm lại hơi hướng quen thân. Không ai có thể phản bội lại ngôi nhà mình. Trái lại, con người luôn có ý hướng vun bồi, tô điểm cho ngôi nhà ấy thêm vẻ tươi đẹp, khang trang - tô lại nền gạch, xây thêm bờ tường, treo những bức tranh, sắp xếp, trưng bày sao cho vừa bụng của mình mà cũng đẹp mắt cho thiên hạ.
Có lần trong cuộc trao đổi với kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, nhà thơ Cù Huy Cận đã nói về tiếng “nhà tôi” mà ông cho rằng có một ý nghĩa nhân bản sâu xa. Hẳn rằng đa số chúng ta đều đồng ý với nhà thơ lớn. Và tiếng “nhà tôi” còn đó, trong ngôn ngữ Việt, như một chứng tích của một quan niệm vợ chồng, của một liên hệ lứa đôi, cần được trân trọng bảo tồn.
Ngoài tiếng “nhà tôi” ở ngôi vị thứ ba, ngày xưa người Việt quen dùng tiếng “mình” ở ngôi vị thứ hai, giữa vợ và chồng. Tiếng “mình” cũng mang tính cách bình đẳng, ra ngoài đẳng cấp và ngoài giới tính. Dĩ nhiên, vợ chồng không thể gọi nhau bằng “đầu” - chẳng hạn: “Đầu ơi! anh yêu đầu lắm” - vì tuy quan trọng nhưng đầu ở trên thượng đỉnh cao vời, có tính năng động của sự xét nét, khó mà gần gũi. Cũng không thể gọi nhau bằng “tay chân”, vì nó lèo khoèo, lòng thòng, có vẻ bất ổn và không đủ sức bảo đảm cho một tin yêu. Chỉ có tiếng “mình”, với cái khối lượng lớn lao trong một con người, mang nhiều cơ năng trọng yếu cho sự tuần hoàn, hô hấp, dinh dưỡng và cả truyền lưu dòng giống, tiếng “mình” thân mật và êm đềm ấy, gần gũi và ổn định ấy, là tiếng xưng hô riêng biệt của người Việt Nam vốn muốn thấy trong hôn nhân một sự hòa đồng, hòa nhập, một sự kết hợp đầy tính thống nhất giữa hai con người, có thể ở những hoàn cảnh, ở hai trình độ, ở hai chân trời rất cách biệt nhau, nhưng đã chấp nhận phối hợp để thành một người duy nhất đầy đủ giá trị cũng như quyền năng.
Trên vài thập niên vừa qua, trong khi tiếng Việt xuống cấp, thể hiện qua nhiều hiện tượng như lầm lẫn tiếng Hán Việt với tiếng Việt (chẳng hạn điểm yếu lại viết yếu điểm); như sự lặp đi lặp lại những tiếng thừa thãi (chẳng hạn nói chung, nói riêng); hoặc sự đảo ngược ngôn ngữ một cách quái gở (chẳng hạn một thời dấu yêu); và xấu hổ nhất là trộn ngoại ngữ vào tiếng Việt, trong khi chúng ta có thừa những tiếng đẹp hơn để dùng (chẳng hạn sống hot, tuổi teen...) và cái tiếng mình lại được lạm dụng vào ngôi thứ nhất một cách tồi tệ.
Ai cũng thừa biết trong sự giao tiếp thân tình, với những đối tác bình đẳng, người Việt mới dùng tiếng mình để nói về mình. Nhưng điều kỳ quặc hiện nay là thường nghe, thấy trên đài những người lại dùng tiếng mình để nói về mình trước một số đông, với những đối tác không phải thân quen, có những đối tượng cao niên hơn mình. Có lần tôi hỏi anh Cao Xuân Hạo - vì biết anh chuyên về ngôn ngữ học - tại sao lại có hiện tượng đó thì anh suy nghĩ rồi mới trả lời: “Có lẽ họ bắt chước các dân tộc thiểu số”.Chúng ta thông cảm đồng bào dân tộc thiểu số khi dùng tiếng mình thay cho riêng tôi, vì sự hiểu biết tiếng Việt của họ có hạn chế, nhưng với những người Việt Nam - dầu là thất học - cũng không được phép lầm lẫn như thế. Sự lầm lẫn này còn làm thương tổn đến một đặc tính của ngôn ngữ Việt, ở sự xưng hô trong các quan hệ gia đình. Bởi người Việt Nam qua các vị trí và những tương quan gia đình không có những tiếng gọi chung nhưng được phân biệt khá rõ, và ngoài hai bên nội, ngoại còn có chú, bác, cô, dì, cậu, mợ… đòi hỏi có sự chính xác trong khi giao tiếp, xưng hô. Với những con người ở xa, lâu ngày mới có dịp gặp gỡ lại bà con thân tộc dễ thấy lúng túng trong khi chào hỏi vì không rõ được vị thế, danh xưng từng người.
Một đặc điểm nữa là người Việt Nam không chỉ trao đổi ý tưởng bằng những ngôn từ mà còn sử dụng cung bậc trong cách phát âm làm một yếu tố diễn đạt. Nếu nghe một người lớn gọi, người trẻ “dạ” tiếng gọn, nhẹ thì có nghĩa là “đã nghe rồi, và xin chấp hành”, nhưng nếu tiếng “dạ” được cất cao lên thì có nghĩa như chất vấn trở lại, rằng “tôi chẳng hiểu nói gì” và nếu tiếng “dạ” kéo dài nặng nề rồi trầm hẳn lại thì có nghĩa là “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.
Có lẽ vì tiếng Việt đậm tính thanh nhạc, là một bản sắc của ngôn ngữ Việt nên trong giao tiếp không thể không biết đến đặc điểm ấy. Tuy rằng không nhiều, nhưng trong gia đình, có đôi vị thứ giống nhau nhưng ở đẳng cấp khác nhau đòi hỏi phải phân biệt rõ cung bậc trong cách phát âm.
Xin được kể lại một kỷ niệm nhỏ minh họa cho điều vừa nói: Thời chống Pháp, sau một chuyến đi công tác vùng xa, tôi trở về lại quê nhà, đang lủi thủi băng qua một dãy rừng hoang vắng bỗng thấy trước mặt một người đi tới và tôi vui mừng nhận ra là người chú họ của tôi, cùng trạc tuổi tôi, đã có một thời cùng học chung trường. Tôi hớn hở bước nhanh đến, kêu lên: “A! Chú!” nhưng ông lặng lẽ đi qua như một con người xa lạ khiến tôi cảm thấy hụt hẫng, ngỡ ngàng.
Về sau, qua một người thân, tôi được nghe rằng ông chú đã trách móc tôi vô lễ, vì khi gặp ông đã gọi “A! Chú!”, xem ông như một người em. Tôi rất khó chịu khi biết sự việc như thế, nên lần sau đó, trong ngày giỗ của tộc họ khi nhìn thấy ông, tôi liền chắp tay, bước tới cúi đầu nói rất nhỏ nhẹ “Thưa chú”, thì ông kêu lớn tên tôi, rồi cười toe toét và đến ôm tôi, vỗ nhẹ vào lưng, hỏi han tới tấp đủ điều. Bấy giờ tôi vẫn nghĩ rằng mình đang diễn một vai hề và nói ông chú quý trọng hình thức không ngờ rằng đang vồ vập thằng cháu đang rủa thầm mình, trong khi lại quay mặt đi khi nó thành thật vui sướng được gặp gỡ ông.
Về sau, nghĩ lại, tôi thấy rằng mình có lỗi vì lần gặp gỡ giữa rừng tôi đã phát âm trật nhịp, không lưu ý đến vai trò người chú và cái đặc tính tiếp cận nặng về hình thức của ông, vì ở trong gia đình Việt tôi phải tuân phục quy định không thành văn ấy chứ không được quyền đòi hỏi người chú hiểu được ý đồ của cháu.
Ngày nay chúng ta nói nhiều về sự bình đẳng nam nữ, một trong những đòi hỏi quyết định cho sự phát triển nhân loại, và ở trong gia đình Việt tồn tại khá nhiều danh xưng, di sản cửa thời phụ hệ xa xưa, như sự phân biệt nội, ngoại, dầu trên thực tế chúng ta có thể yêu thương bên ngoại nhiều hơn bên nội, và hẳn lớp trẻ ngày nay không hề cảm thấy có sự phân biệt giữa hai tiếng đó, song nếu có thể gạt bỏ được chữ nội, ngoại trong các gia đình và thay vào đó những tiếng thích hợp thì sự bình đẳng nam nữ không phải vướng mắc chút thương tổn nào. Bởi vì, ngày nay, khi gặp những người sao lục gia phả, vinh danh dòng họ, chúng ta vẫn thấy còn đó một sự bất công, bởi lẽ trong các gia phả, các dòng họ ấy, vai trò của người đàn ông luôn được vinh danh còn người đàn bà khổ công sinh đẻ, nuôi dưỡng và đóng góp phần không nhỏ cho sự dạy dỗ, xây dựng cuộc đời con cái thì chỉ là kẻ phụ thuộc.
Trong xã hội vẫn có những người đàn ông biết điều, khi đặt tên con đã ghép họ vợ vào sau họ mình, như ta vẫn gặp Đỗ Lê Thái Thụy, Phạm Trần Minh Khanh..., nhưng sự kết hợp đầy ý nghĩa ấy vẫn không giúp được cho dòng họ mẹ có một chỗ đứng ngang tầm với dòng họ cha.
Như thế, chuyện bình đẳng giới không chỉ thể hiện ở trên luật pháp mà còn ở nhiều lĩnh vực khác nữa, trong đó văn hóa - với một nghĩa rộng - phải được quan tâm đúng mức để khai thác được cả những vẻ đẹp từ trong quá khứ, chứ không cho những bóng ma nào đó ở trong dĩ vãng còn có cơ hội ẩn hiện giữa cuộc sống này.
“Nhà tôi” là một danh xưng bình đẳng cho vợ và chồng. Tính bình đẳng ấy vốn là đặc điểm ở trong gia đình Việt Nam ta xưa, trước khi tập nhiễm quan niệm chồng chúa, vợ tôi vay mượn từ ngoài. “Nhà tôi” còn là tiếng nói của lòng âu yếm, của sự kính nể. “Nhà tôi” ám chỉ mỗi một cá nhân nhưng lại bao hàm cả một cộng đồng.
Tiếng “nhà tôi” ấy như muốn khẳng định một niềm chung thủy. Ai cũng quyến luyến ngôi nhà đã ấp ủ mình, và dầu có việc đi xa vẫn mong quay về chốn cũ, tìm lại hơi hướng quen thân. Không ai có thể phản bội lại ngôi nhà mình. Trái lại, con người luôn có ý hướng vun bồi, tô điểm cho ngôi nhà ấy thêm vẻ tươi đẹp, khang trang - tô lại nền gạch, xây thêm bờ tường, treo những bức tranh, sắp xếp, trưng bày sao cho vừa bụng của mình mà cũng đẹp mắt cho thiên hạ.
Có lần trong cuộc trao đổi với kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, nhà thơ Cù Huy Cận đã nói về tiếng “nhà tôi” mà ông cho rằng có một ý nghĩa nhân bản sâu xa. Hẳn rằng đa số chúng ta đều đồng ý với nhà thơ lớn. Và tiếng “nhà tôi” còn đó, trong ngôn ngữ Việt, như một chứng tích của một quan niệm vợ chồng, của một liên hệ lứa đôi, cần được trân trọng bảo tồn.
Ngoài tiếng “nhà tôi” ở ngôi vị thứ ba, ngày xưa người Việt quen dùng tiếng “mình” ở ngôi vị thứ hai, giữa vợ và chồng. Tiếng “mình” cũng mang tính cách bình đẳng, ra ngoài đẳng cấp và ngoài giới tính. Dĩ nhiên, vợ chồng không thể gọi nhau bằng “đầu” - chẳng hạn: “Đầu ơi! anh yêu đầu lắm” - vì tuy quan trọng nhưng đầu ở trên thượng đỉnh cao vời, có tính năng động của sự xét nét, khó mà gần gũi. Cũng không thể gọi nhau bằng “tay chân”, vì nó lèo khoèo, lòng thòng, có vẻ bất ổn và không đủ sức bảo đảm cho một tin yêu. Chỉ có tiếng “mình”, với cái khối lượng lớn lao trong một con người, mang nhiều cơ năng trọng yếu cho sự tuần hoàn, hô hấp, dinh dưỡng và cả truyền lưu dòng giống, tiếng “mình” thân mật và êm đềm ấy, gần gũi và ổn định ấy, là tiếng xưng hô riêng biệt của người Việt Nam vốn muốn thấy trong hôn nhân một sự hòa đồng, hòa nhập, một sự kết hợp đầy tính thống nhất giữa hai con người, có thể ở những hoàn cảnh, ở hai trình độ, ở hai chân trời rất cách biệt nhau, nhưng đã chấp nhận phối hợp để thành một người duy nhất đầy đủ giá trị cũng như quyền năng.
Trên vài thập niên vừa qua, trong khi tiếng Việt xuống cấp, thể hiện qua nhiều hiện tượng như lầm lẫn tiếng Hán Việt với tiếng Việt (chẳng hạn điểm yếu lại viết yếu điểm); như sự lặp đi lặp lại những tiếng thừa thãi (chẳng hạn nói chung, nói riêng); hoặc sự đảo ngược ngôn ngữ một cách quái gở (chẳng hạn một thời dấu yêu); và xấu hổ nhất là trộn ngoại ngữ vào tiếng Việt, trong khi chúng ta có thừa những tiếng đẹp hơn để dùng (chẳng hạn sống hot, tuổi teen...) và cái tiếng mình lại được lạm dụng vào ngôi thứ nhất một cách tồi tệ.
Ai cũng thừa biết trong sự giao tiếp thân tình, với những đối tác bình đẳng, người Việt mới dùng tiếng mình để nói về mình. Nhưng điều kỳ quặc hiện nay là thường nghe, thấy trên đài những người lại dùng tiếng mình để nói về mình trước một số đông, với những đối tác không phải thân quen, có những đối tượng cao niên hơn mình. Có lần tôi hỏi anh Cao Xuân Hạo - vì biết anh chuyên về ngôn ngữ học - tại sao lại có hiện tượng đó thì anh suy nghĩ rồi mới trả lời: “Có lẽ họ bắt chước các dân tộc thiểu số”.Chúng ta thông cảm đồng bào dân tộc thiểu số khi dùng tiếng mình thay cho riêng tôi, vì sự hiểu biết tiếng Việt của họ có hạn chế, nhưng với những người Việt Nam - dầu là thất học - cũng không được phép lầm lẫn như thế. Sự lầm lẫn này còn làm thương tổn đến một đặc tính của ngôn ngữ Việt, ở sự xưng hô trong các quan hệ gia đình. Bởi người Việt Nam qua các vị trí và những tương quan gia đình không có những tiếng gọi chung nhưng được phân biệt khá rõ, và ngoài hai bên nội, ngoại còn có chú, bác, cô, dì, cậu, mợ… đòi hỏi có sự chính xác trong khi giao tiếp, xưng hô. Với những con người ở xa, lâu ngày mới có dịp gặp gỡ lại bà con thân tộc dễ thấy lúng túng trong khi chào hỏi vì không rõ được vị thế, danh xưng từng người.
Một đặc điểm nữa là người Việt Nam không chỉ trao đổi ý tưởng bằng những ngôn từ mà còn sử dụng cung bậc trong cách phát âm làm một yếu tố diễn đạt. Nếu nghe một người lớn gọi, người trẻ “dạ” tiếng gọn, nhẹ thì có nghĩa là “đã nghe rồi, và xin chấp hành”, nhưng nếu tiếng “dạ” được cất cao lên thì có nghĩa như chất vấn trở lại, rằng “tôi chẳng hiểu nói gì” và nếu tiếng “dạ” kéo dài nặng nề rồi trầm hẳn lại thì có nghĩa là “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.
Có lẽ vì tiếng Việt đậm tính thanh nhạc, là một bản sắc của ngôn ngữ Việt nên trong giao tiếp không thể không biết đến đặc điểm ấy. Tuy rằng không nhiều, nhưng trong gia đình, có đôi vị thứ giống nhau nhưng ở đẳng cấp khác nhau đòi hỏi phải phân biệt rõ cung bậc trong cách phát âm.
Xin được kể lại một kỷ niệm nhỏ minh họa cho điều vừa nói: Thời chống Pháp, sau một chuyến đi công tác vùng xa, tôi trở về lại quê nhà, đang lủi thủi băng qua một dãy rừng hoang vắng bỗng thấy trước mặt một người đi tới và tôi vui mừng nhận ra là người chú họ của tôi, cùng trạc tuổi tôi, đã có một thời cùng học chung trường. Tôi hớn hở bước nhanh đến, kêu lên: “A! Chú!” nhưng ông lặng lẽ đi qua như một con người xa lạ khiến tôi cảm thấy hụt hẫng, ngỡ ngàng.
Về sau, qua một người thân, tôi được nghe rằng ông chú đã trách móc tôi vô lễ, vì khi gặp ông đã gọi “A! Chú!”, xem ông như một người em. Tôi rất khó chịu khi biết sự việc như thế, nên lần sau đó, trong ngày giỗ của tộc họ khi nhìn thấy ông, tôi liền chắp tay, bước tới cúi đầu nói rất nhỏ nhẹ “Thưa chú”, thì ông kêu lớn tên tôi, rồi cười toe toét và đến ôm tôi, vỗ nhẹ vào lưng, hỏi han tới tấp đủ điều. Bấy giờ tôi vẫn nghĩ rằng mình đang diễn một vai hề và nói ông chú quý trọng hình thức không ngờ rằng đang vồ vập thằng cháu đang rủa thầm mình, trong khi lại quay mặt đi khi nó thành thật vui sướng được gặp gỡ ông.
Về sau, nghĩ lại, tôi thấy rằng mình có lỗi vì lần gặp gỡ giữa rừng tôi đã phát âm trật nhịp, không lưu ý đến vai trò người chú và cái đặc tính tiếp cận nặng về hình thức của ông, vì ở trong gia đình Việt tôi phải tuân phục quy định không thành văn ấy chứ không được quyền đòi hỏi người chú hiểu được ý đồ của cháu.
Ngày nay chúng ta nói nhiều về sự bình đẳng nam nữ, một trong những đòi hỏi quyết định cho sự phát triển nhân loại, và ở trong gia đình Việt tồn tại khá nhiều danh xưng, di sản cửa thời phụ hệ xa xưa, như sự phân biệt nội, ngoại, dầu trên thực tế chúng ta có thể yêu thương bên ngoại nhiều hơn bên nội, và hẳn lớp trẻ ngày nay không hề cảm thấy có sự phân biệt giữa hai tiếng đó, song nếu có thể gạt bỏ được chữ nội, ngoại trong các gia đình và thay vào đó những tiếng thích hợp thì sự bình đẳng nam nữ không phải vướng mắc chút thương tổn nào. Bởi vì, ngày nay, khi gặp những người sao lục gia phả, vinh danh dòng họ, chúng ta vẫn thấy còn đó một sự bất công, bởi lẽ trong các gia phả, các dòng họ ấy, vai trò của người đàn ông luôn được vinh danh còn người đàn bà khổ công sinh đẻ, nuôi dưỡng và đóng góp phần không nhỏ cho sự dạy dỗ, xây dựng cuộc đời con cái thì chỉ là kẻ phụ thuộc.
Trong xã hội vẫn có những người đàn ông biết điều, khi đặt tên con đã ghép họ vợ vào sau họ mình, như ta vẫn gặp Đỗ Lê Thái Thụy, Phạm Trần Minh Khanh..., nhưng sự kết hợp đầy ý nghĩa ấy vẫn không giúp được cho dòng họ mẹ có một chỗ đứng ngang tầm với dòng họ cha.
Như thế, chuyện bình đẳng giới không chỉ thể hiện ở trên luật pháp mà còn ở nhiều lĩnh vực khác nữa, trong đó văn hóa - với một nghĩa rộng - phải được quan tâm đúng mức để khai thác được cả những vẻ đẹp từ trong quá khứ, chứ không cho những bóng ma nào đó ở trong dĩ vãng còn có cơ hội ẩn hiện giữa cuộc sống này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét