Chủ Nhật, 4 tháng 3, 2012
1 ĐÁM CƯỚI VÀ 208.333 "MẦM NON ĐẤT NƯỚC"
Tôi đọc qua bài này thấy rất hay , muốn trích từ Blog Mai Thanh Hải qua để mọi người cùng đọc nhé .
Mai Thanh Hải - Mình đọc trên Dân trí (ở đây) bài “Siêu đám cưới một thiếu gia gây rung động phố núi”, thuật lại cái đám cưới của “con trai nữ đại gia buôn bán xuyên quốc gia Nguyễn Thị Liễu” ở Hương Sơn, Hà Tĩnh với con gái của 1 đại gia ở Hà Nội, hiện đang du học tại Singapore… Đọc xong, chịu không nổi, phải mở cửa phòng, ra ngoài sân đứng hút thuốc.
Cái “siêu đám cưới” này được coi là khủng bởi có dàn xe rước dâu hoàng tráng khiến chiều tối qua (29/2/2012), hàng ngàn người dân Hà Tĩnh, sống hai bên Quốc lộ 8A, kéo dài từ ngã tư giao nhau giữa đường mòn Hồ Chí Minh và Quốc lộ 8A (thị trấn Phố Châu) lên thị trấn Tây Sơn, đã đứng chật đường ngó xem,làm Quốc lộ 8A nhiều đoạn bị tắc nghẽn.
Cái “siêu đám cưới” ở Hương Sơn, Hà Tĩnh còn có sự tham gia biểu diễn của “ông hoàng nhạc Việt” Đàm Vĩnh Hưng cùng các ca sĩ hải ngoại tên tuổi như Phi Nhung, Mạnh Quỳnh, Quang Lê và MC Lê Anh, càng khiến dòng người kéo đến xem đám cưới dài dằng dặc. Hôn trường không thể đáp ứng chỗ ngồi, gia chủ phải đóng cửa, khiến hàng trăm người chen lấn, xô đẩy bên ngoài – Dân trí thuật lại…
Tự dưng, nhớ lại những gì mình đã thấy, đã gặp, đã chứng kiến trên những nẻo đường miền núi, khi lẽo đẽo làm Chương trình “Cơm có thịt”, “Áo ấm cho trẻ em vùng cao”, “Gánh hàng xén lên miền núi”…
Mình nhớ đến con bé Sùng Thị Súa, 5 tuổi ở Trường Mầm non Dền Thàng (Bát Xát, Lào Cai), rúm ró trong cái áo ướt sũng, giữa trời rét 3 độ C bởi trận mưa ào xuống giữa quãng đường 30 phút trèo đồi từ nhà đến trường. Mắt con bé đờ dại, môi tím ngắt, răng lập cập và cả người nó, cứ ưỡn lên theo nhịp đập thoi thóp từ lồng ngực trái. Chỉ khi được khoác áo, trùm khăn của Khanh, Lana nó mới hé được mắt ra, nhìn tụi mình…
Mình đau đáu với cô giáo Mầm non điểm Trường Trà Phà (Sàng Ma Sáo, Bát Xát, Lào Cai) Trần Thị Lập, dắt 2 đứa học sinh 5 tuổi bé như cái nấm, bập bõm hiện ra trong sương mù đặc quánh Nhìu Cồ San, ra nhận áo ấm, ủng cao su, tất chân… thay cho mấy chục bé ở Trà Pha, đang thu lu ngồi đợi, bởi đường ra chỗ nhận quà quá xa, đến xe máy cũng không vào được. Nhận xong phần quà, cô Lập buộc chặt vào lưng, lại tất tả dắt 2 đứa trẻ “đại biểu”, trèo núi gần 1 tiếng đồng hồ, trong rừng, trong sương về với học sinh. Bóng 3 cô trò mờ dần, mờ dần trong sương lạnh, như chìm vào cõi hư vô, không thực…
Mình rưng rưng khi buổi sáng ở điểm chính Trường Mầm non Sàng Ma Sáo (Bát Xát, Là Cai), bọn trẻ con lếch thếch tay kéo quần, tay quệt mũi nhưng nách vẫn kẹp chặt mấy cây rau cải, chạy ùa vào cái bếp lợp gianh vách nứa, ấm ứ đưa cho cô giáo Phúc cây rau còn nguyên cả đất, để góp với cô giáo nấu cơm canh ăn buổi trưa…
Mình không thể quên cảnh lũ trẻ Y Tý (Bát Xát, Lào Cai) nuốt nước bọt ừng ực, nhìn các cô tất tả chia cơm trưa; nhận được phần cơm thịt, chúng cắm đầu, ăn hùng hục, không đứa nào nói chuyện, không đứa nào nhìn ngang nhìn ngửa, loáng hết đã sạch bách bát cơm, phưỡn lưng xoa bụng, cất bát và ngoan lành cất bát, trải đệm rúc rích ngủ như chó con say sữa để chiều ngủ dậy, co ro trong trời lạnh đến 1-2 độ, ê a hát: “Em sẽ là mùa Xuân của mẹ…”.
Mình ghi vào trong dạ, dáng con bé Sao 8 tuổi học lớp 3 ở điểm Trường Hán Nắng (Pa Cheo, Bát Xát, Lào Cai) ngồi ngoan viết bài, trên lưng Sao, em bé 2 tuổi nằm gọn trong địu vải, cũng ngoan ngoãn gục trên đầu chị ngủ vùi. Bữa trưa của 2 chị em, chỉ là muôi cơm trắng, không có đến 1 hạt muối kèm thêm…
Mình vẫn in trong đầu những đứa trẻ con trên ngã ba biên giới A Pa Chải (Mường Nhé, Lai Châu), nghiêm nghị xếp thẳng hàng dưới cột tre treo cờ Tổ quốc, gượng nhẹ nhận từng chiếc áo ấm và thi nhau hít hà, tẩm mẩn ngắm nhìn món quà giá trị, lần đầu tiên có được…
Mình nghẹn lòng trước lũ trẻ con Tả Gia Khâu (Mường Khương, Lào Cai), loay hoay trước cái kẹo, hộp sữa không biết bóc, hút ra sao và à à ôm áo ấm, luýnh quýnh chạy lên dốc như đàn gà con, mang về khoe bố mẹ…
Mình nhớ bọn trẻ con trường bán trú dân nuôi Lũng Cú (Đồng Văn, Hà Giang), ngồi rúm ró trong bếp ăn chật chội, tay khoanh bụng chống rét, tay nắm thìa xúc mèn mén. Mỗi miếng mèn mén cho vào miệng, chúng lại khù khụ ho và hớt hải uống nước để nén thứ bột ngô, đã phải ăn thay cơm mấy tháng nay, vào trong bụng, lấy sức chiều lên lớp học tiếp…
Và mình không quên hình ảnh những em Quỳnh, em Thanh, em Huyền, em Tuyển, em Vân, em Lan cùng hàng trăm gương mặt giáo viên vùng cao khác, mừng đến cuống quýt- sững sờ, cứ loanh quanh chạy đi chạy lại khi thấy những chuyến xe chở hàng hóa, quần áo, thực phẩm lên cho học sinh.
Và mình không quên những giọt nước mắt rơi vội vàng trên gò má của những “Cơm thịt viên”,”Hàng xén viên” sau khi lấp ló ngoài cửa, nhìn trộm cho bọn trẻ con ngoan ngoãn, tự nhiên xúc cơm thịt, chan canh nóng, đánh no bụng bữa trưa, mới được thụ hưởng.
Và mình cũng không quên những dòng email, những tin nhắn ngắn, những cú điện thoại gấp gáp, những cái trao tay trân trọng… của bao người từ trong đến ngoài nước, từ cụ già đến em nhỏ, từ 10.000 đồng dành quà sáng của em bé đến khoản lương hưu ki cóp của cụ già… cho “Quỹ Cơm có thịt” và “Gánh hàng xén lên vùng cao”…
Và mình đứt ruột trước thông tin: Chi phí “siêu đám cưới” của nhà “đại gia buôn bán xuyên quốc gia” vùng đất nghèo Hà Tĩnh khoảng hơn 25 tỷ đồng, trong đó riêng chi phí cho rượu ngoại đã là hơn 2 tỷ; chi phí cho phần âm nhạc, ca sĩ là hơn 60.000 USD (khoảng 1,2 tỷ đồng)…
Vòng vàng cô dâu chú rể được tặng (đeo cổ) ước tính 60 lạng
Lẩn mẩn nói cô Kế toán trong cơ quan tính toán. Cô bé cũng lặng người, nhìn ra cửa sổ khi biết phép tính của mình: “Một đứa trẻ con vùng cao, mỗi tháng được thụ hưởng 120.000 đồng/tháng để được ăn cơm có thịt. Vậy số tiền 2 tỷ mua rượu ngoại và 25 tỷ chi phí toàn đám cưới ấy, sẽ nuôi được bao nhiêu đứa trẻ con trong 1 tháng?”.
Kết quả là: 2 tỷ đồng tiền rượu sẽ nuôi được 16.666 đứa trẻ Mầm non trong 1 tháng
Kết quả là: 25 tỷ chi phí đám cưới sẽ nuôi được 208.333 đứa trẻ Mầm non…
Vẫn biết: Có tiền thì làm gì cũng được. Thế nhưng cứ rưng rưng muốn khóc, xót xa tận đáy lòng, khi nghĩ đến những lít nhít vùng cao đang chịu đói, chịu rét trên vùng cao miền núi, biên giới xa xôi…
nguồn : maithanhhaivietnam.wordpress.com
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Tôi cũng có cảm xúc khó tả sau khi đọc bài viết của nữ đại gia này tổ chức đám cưới cho con.
Trả lờiXóaVới cuộc sống hiện tại, thu nhập bình quân đầu người nước mình mới đạt 1100usd/người/năm. Tỷ lệ lạm phát đang cao gấp 3 lần mức tăng trưởng GDP, cuộc sống của người dân nói chung vẫn còn khó khăn. K thể phủ nhận được Việt Nam chúng ta vẫn là nước nghèo và lạc hậu so với thế giới. Khoảng cách giàu nghèo ngày càng xa hơn.
Ssố người giàu như nữ đại gia kia là k hiếm đâu nhé, số ng này chủ yếu tập trung ở các TP lớn. Siêu xe vừa xuất xưởng 20 chiếc thì ở VN ta đã ẵm trọn 3 chiếc rồi (nể quá còn j).
Chi phí cho đám cưới hết 26 tỷ! sự kiện này đang gây shock trong dư luận. Tuy nhiên, nữ đại gia tuổi 43 này cũng đã có nhiều hoạt động từ thiện nên ta thấy bước đầu ở bà có cái Tâm với cộng đồng. Mong muốn, các vị đại gia chưa lộ diện cũng nên có nhiều đóng góp, có nhiều quan tâm tới các hoàn cảnh khó khăn trên mọi vùng miền của VN, đặc biệt đối với người già, trẻ em ...
Phạm Thị Thu
Mình thấy đất nước càng có nhiều đám cưới như thế này mới là quốc gia thịnh vượng, và tiếp đãi khách khứa như vậy là rất bình thường như những chuyện ngoại giao bình thường khác.
Trả lờiXóaCái bình thường thứ nhất là các xe hạng sang đến dự đám cưới là của bạn bè hoặc từ mối quan hệ làm ăn của thân chủ. Chả nhẽ trong thiệp cưới lại yêu cầu là "quý khách không nên đi xe loại RR; Pos; Lex; Mec; Fer; Jar; Ben ... đến dự tiệc cưới à"!
Cái bình thường thứ hai là cả tôi và bạn hay tất cả chúng ta đều muốn làm vừa lòng các vị khách của mình khi người ta không quản đường sá xa xôi vượt từ mấy trăm đến hàng ngàn km để tới nơi có thể gọi là ... hun hút với mục đích dự tiệc cưới bằng hữu, thế nên chuyện mâm cao cỗ đầy, rượu ngon, nơi ăn nghỉ, giải trí tốt cho khách khứa là điều đương nhiên phải thế. Có là mặt dầy mới tiếp khách sơ sài trong trường hợp này!
Cái bình thường nữa là vì lượng khách quá đông (tới gần 10.000 người) nên chi phí tăng cao (2mấy tỷ) là điều hiển nhiên. Mình thấy mâm cỗ cũng bình thường mà, có phải họ ăn Vàng đâu !!! Mà kêu lãng phí!
Duy nhất có điều không bình thường trong cái đám cưới này là: toàn bộ số tiền mừng sẽ được mang làm từ thiện cho dân quanh vùng.(Điều này quả là không bình thường thật). hihi
Mà nói thật nhé, nếu chi phí cho cái đám cưới này mà là hai mấy tỷ thì đáng nhẽ nên phát bằng khen cho họ vì sẽ có không ít người được hưởng lợi từ các dịch vụ nhằm phục vụ cho đám này.
Thế mới càng kính phục câu nói nổi tiếng trên các diễn đàn: Việt Nam ta Dân chủ gấp triệu lần Tư bản, Đế quốc sài lang!!!!!
Trả lờiXóa